Lượt xem: 601

Nỗi lo thu hoạch lúa Hè - Thu thời điểm dịch bệnh

Sóc Trăng là một trong những tỉnh chuyên về sản xuất nông nghiệp, trong đó cây lúa, con tôm được xác định là kinh tế mũi nhọn. Riêng với cây lúa, để nâng cao chất lượng, giá trị lúa, thời gian qua tỉnh đã chuyển đổi lúa chất lượng thấp sang các giống lúa cao sản, đặc sản và diện tích lúa đặc sản chiếm gần 62%. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, diện tích lúa Hè - Thu gieo trồng là 141.154 ha, ước sản lượng 800.000 tấn đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên, trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương sản xuất lúa rất lo lắng trong khâu thu hoạch, giải quyết đầu ra cho lúa, làm sao vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo lợi nhuận cho bà con.

 


Nhiều diện tích lúa Hè - Thu trên địa bàn tỉnh đang vào giai đoạn thu hoạch. Ảnh Thúy Liễu

 

    Cần sự điều phối máy gặt trong thu hoạch lúa…

    Hiện tại nhiều cánh đồng lúa tại các địa phương đã bắt đầu chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch và điều lo lắng nhất là thiếu máy gặt lúa cũng như thương lái đến thu mua lúa tại địa phương còn khó khăn do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh.

    Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Long Phú, Lâm Văn Vũ chia sẻ: “Vào vụ lúa Hè - Thu hằng năm, khoảng thời gian này là hộ dân đã được thương lái đến tận ruộng thăm đồng và sau đó thỏa thuận giá mua, đặt luôn tiền cọc mua lúa cho hộ dân, chỉ chờ đến thu hoạch thương lái đánh xe đến ruộng vận chuyển đi tiêu thụ. Nhưng hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chưa thấy lái đến thu mua lúa cho hộ dân. Vì vậy, chúng tôi rất lo lắng khi đến chính vụ thu hoạch, sản lượng lúa lớn không có thương lái thu mua sẽ làm hư hại lúa, bởi địa phương không có kho dự trữ và không có lò sấy. Cùng với đó trong những tháng mùa mưa, việc phơi lúa dự trữ của người dân sẽ gặp khó khăn…”.

    Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Trị - Trần Trang Nhãn cho biết: “Diện tích lúa Hè - Thu trên địa bàn huyện bước vào thu hoạch đầu tháng 8 nên huyện cần có thêm máy gặt đập liên hợp để đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúa đồng loạt. Nhưng huyện hiện chỉ có 96 máy, cần thêm  khoảng 20 máy để hỗ trợ địa phương thu hoạch. Bên cạnh đó, cần thêm sự liên kết thu mua lúa của các doanh nghiệp, để đầu ra của lúa được tốt hơn trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp”.

    Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trần Đề - Trần Hoàng Dũng thông tin: “Trần Đề bước vào vụ thu hoạch lúa Hè – Thu vào giữa tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 9. Với hàng ngàn hecta lúa vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng huyện chỉ có 130 máy, thiếu đến 70 máy gặt. Hằng năm, vào vụ thu hoạch, để có đủ lượng máy gặt thu hoạch lúa là do máy từ các địa phương khác đến. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, người lao động ngoài tỉnh đến địa phương có phần hạn chế. Do đó, để chủ động trong việc phân bố máy gặt đập khi vụ thu hoạch rộ, ngành NN-PTNT cần có sự hỗ trợ trong công tác chỉ đạo điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các địa phương”.

    Giải pháp ngành NN-PTNT…

    Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, chia sẻ: “Thời điểm lúa Hè - Thu, việc thu hoạch cần số lượng máy bên ngoài tỉnh vào địa phương thêm khoảng 400 máy mới đáp ứng tốt nhu cầu thu hoạch lúa cho hộ dân. Nhưng trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng máy vào tỉnh sẽ không được như bình thường. Vì vậy, nhằm chủ động về lượng máy gặt đập, các địa phương thành lập Tổ máy gặt thu hoạch, Tổ vận chuyển lúa và có sự hỗ trợ điều chuyển máy giữa các địa phương trong xã, đặc biệt là xây dựng kế hoạch tiêu thụ lúa cho nông dân trên địa bàn huyện…”.

    Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Trần Tấn Phương thông tin: “Đứng về góc độ ngành NN-PTNT, vấn đề trăn trở nhất của ngành hiện nay là việc hỗ trợ thật tốt cho người dân trong khâu tiêu thụ lúa vụ Hè - Thu, bởi tình hình Covid-19 xảy ra là việc khó khăn chung của nhiều tỉnh thành, chứ không riêng gì của tỉnh ta, nhất là trong khâu tiêu thụ nông sản, trong đó lúa tại tỉnh ta có sản lượng tương đối lớn. Do đó, ngành NN-PTNT đã có công văn gửi đến Hiệp hội lúa gạo Việt Nam, hỗ trợ ngành kêu gọi doanh nghiệp thu mua lúa trên địa bàn tỉnh ta. Bên cạnh đó, đơn vị cũng triển khai danh sách các doanh nghiệp tiêu thụ lúa. Dựa trên danh sách đó, từng địa phương cố gắng liên hệ với doanh nghiệp, nhằm nắm về nhu cầu về sản lượng, kể cả hình thức thu mua lúa của doanh nghiệp, để xây dựng phương án cung ứng lúa đến doanh nghiệp.

    Riêng về lượng máy gặt đập liên hợp, toàn tỉnh có 807 máy. Với số máy như trên sẽ đảm bảo thu hoạch lúa tại các địa phương nếu điều tiết khoa học. Do đó, các địa phương phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để có sự hỗ trợ điều phối máy gặt đập khi thu hoạch lúa. Đồng thời, đơn vị cũng đã trao đổi các chủ lò sấy, hỗ trợ nông dân trong việc sấy lúa. Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, phòng trường hợp tiêu thụ lúa gặp khó, địa phương nên vận động người dân chủ động, chuẩn bị sẵn sân phơi, để phơi lúa dự trữ…”.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 8036
  • Trong tuần: 78,743
  • Tất cả: 11,802,063